Tuồng, còn gọi hát bội hoặc hát bộ, từng được xem là “quốc kịch” của Việt Nam. Thời trước, dân ta có tục bói tuồng đầu xuân: từ mùng 1 đến mùng 10 Tết, mua vé vào rạp giữa lúc vở hát bội đang diễn, hễ gặp cảnh ngộ nào xuất hiện trên sân khấu thì dựa theo mà suy đoán vận số mình trong năm mới. Giờ đây, chúng ta bói tuồng kiểu khác: thử điểm quá trình thịnh suy của tuồng để làm cơ sở dự báo tương lai cho chính bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Ngày xuân tại Hoàng thành Huế, 4 diễn viên hát bội vào vai tứ trụ thiên thần múa tuồng “Trình tường tập khánh”. 4 liễn, phải qua trái: “Vạn bảo trình tường”, “Quần phương tập khánh”, “Nhất nhân hữu khánh”, “Tỉ xí tỉ xương”
Xửa xừa xưa
Tuồng, loại hình kịch hát đặc thù của Việt Nam, vốn có gốc gác lâu đời từ các hình thức diễn xướng dân gian và được thư tịch ghi nhận thời điểm chính thức xuất hiện là thế kỷ XIV, đời Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn, thì trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông xâm lược, quân đội nhà Trần bắt được tù binh Lý Nguyên Cát là một kép hát tên tuổi ở phương Bắc. Triều đình bèn dùng Lý để truyền thụ nghệ thuật biểu diễn cho con cái thế gia vọng tộc. Tiếp nhận nhiều điểm phù hợp trong hí khúc Trung Hoa, kết hợp khéo léo với nền ca múa nhạc bản địa, tuồng Việt ra đời. Sử gia Ngô Sĩ Liên ghi nhận: “Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy”.
Sự ảnh hưởng của hí khúc Trung Hoa vào tuồng Việt, như chúng ta sẽ thấy, không chỉ xảy ra một lần. Tuy nhiên, trên tiến trình giao lưu văn hóa, tuồng Việt dần tạo lập những đặc trưng riêng biệt.
Từ thế kỷ XV, nhà Lê quan niệm nghệ thuật sân khấu là trò du hí tiểu nhân, triều đình ban hành văn bản quy định địa vị xã hội của diễn viên ngang hàng… lũ trộm cướp! Chính sách hà khắc ấy đã khiến tuồng chẳng thể phát triển suốt thời gian dài, ít ra ở Đàng Ngoài đến thế kỷ XVI – XVII. Bằng chứng là danh sĩ Đào Duy Từ (1572 – 1634) dù nổi tiếng thông minh và học giỏi vẫn bị cấm thi cử vì xuất thân trong gia đình “xướng ca vô loại”. Vì thế, mùa đông Ất Sửu 1627, Đào Duy Từ bỏ quê Thanh Hoá, trốn vào Đàng Trong, được chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) tin dùng. Mà các chúa Nguyễn thì rất thích tuồng. Nghệ thuật hát bội, đối với các chúa và vua Nguyễn, đâu chỉ để giải trí đơn thuần. Hát bội còn là công cụ tuyên truyền đầy hấp dẫn cho hệ thống chính trị và đạo đức mà họ đề cao. Tuồng đã tìm thấy đất dung thân. Vở Sơn Hậu là kịch bản thành văn đầu tiên tương truyền do Đào Duy Từ khởi thảo vào giai đoạn phục vụ dưới trướng chúa Sãi.
Triều đại Tây Sơn cũng ưa chuộng tuồng. Bản thân hoàng đế Quang Trung thuở thiếu thời từng làm… kép hát bội. Không ít tướng lĩnh Tây Sơn vốn là đào kép phường tuồng. Giọng nói mạnh mẽ của dân Bình Định cùng đòn thế võ Bình Định đã để lại dấu ấn đậm nét trong bộ môn nghệ thuật này. Một tư liệu quý, giúp hậu thế thấy rõ cảnh diễn tuồng cuối thế kỷ XVIII: bức tranh màu tả thực được in trong tập A Voyage to Cochichina in the Years 1792 and 1793 (Chuyến du lịch Nam Kỳ những năm 1792 – 1793) của John Barrow xuất bản năm 1806 tại London, Anh quốc. Tập I bộ Lịch sử Việt Nam do Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1971, trang 395) cũng sử dụng tranh ấy để minh hoạ.
Tuồng càng phát triển cực thịnh dưới thời vương triều Nguyễn. Năm Ất Dậu 1825, niên hiệu Minh Mạng thứ V, Thanh Bình từ đường được thành lập. Đó là nhà thờ tổ của ngành hát bội nói riêng, của giới sân khấu Việt Nam nói chung. Bao quanh từ đường là Thanh Bình thự, cơ quan quản lý việc múa hát cung đình và đào tạo nghệ nhân từ lứa tuổi đồng ấu. Hiện toạ lạc tại đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, thành phố Huế, công trình ấy được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng “di tích lịch sử – văn hoá” ngày 23-6-1992.
Năm Bính Tuất 1826, niên hiệu Minh Mạng XV, Duyệt Thị đường là nhà hát tuồng quốc gia được xây dựng quy mô trong Tử Cấm thành. Dịp ngũ tuần đại khánh của hoàng đế, vở Quần tiên hiến thọ do Nguyễn Bá Nghi soạn đã được công diễn. Điều thú vị: đích thân vua Minh Mạng trực tiếp tham gia viết một đoạn trong kịch bản. Giai đoạn đó, triều đình còn mời một kép hát người Hoa là Càn Cương Hầu / Cang Cung Hầu tới kinh đô dạy điệu hát khách. Điệu này được đưa vào tuồng vốn sẵn điệu hát nam và điệu niêu nồi, làm phong phú thêm phần âm nhạc của nghệ thuật hát bội. Ngôi mộ Càn Cương Hầu hiện nằm dưới chân núi Ngự Bình.
Vua Tự Đức chấp chính, tuồng được nâng cao hơn và hoàn bị về nhiều phương diện. Vị hoàng đế hay chữ ấy cho xây thêm nhà hát tuồng Minh Khiêm đường trong Khiêm cung (tức lăng Tự Đức); chiêu tập kép hay với đào đẹp về Phú Xuân; lại tổ chức Ban hiệu thư chuyên sáng tác, hiệu đính, nhuận sắc kịch bản tuồng nhằm chuyển “phương bản” thành “kinh bản”. Ban hiệu thư quy tụ nhiều bậc uyên áo và tài hoa như Nguyễn Hữu Đĩnh tức Nguyễn Hiển Dĩnh, Ngô Quý Đồng, Hồ Quý Thiều, Trương Quốc Dụng, Võ Duy Tịnh, v.v., mà đứng đầu là Đào Tấn (1845 – 1907).
Trước kia, mỗi vở tuồng chỉ từ 1 đến 3 hồi, mỗi hồi diễn một đêm. Đến giai đoạn này, xuất hiện những vở “kỳ vĩ trường thiên” như Học lâm gồm 20 hồi, Vạn bửu trình tường gồm 216 hồi (nghĩa là diễn liên tục phải mất gần năm trời).
Các vị vua Nguyễn kế tiếp thảy đều trọng thị nghệ thuật hát bội. Vua Thành Thái có lúc thủ vai Thạch Giải Trại trong vở Xảo Tống. Cùng với các nhà hát cung đình, nhiều rạp tuồng “mini” được dựng trong phủ đệ của hoàng thân quốc thích. Khắp tỉnh thành từ Bắc chí Nam, dân chúng đua nhau lập đoàn tuồng, gánh tuồng tư nhân để diễn cố định hoặc lưu diễn.
Hầu hết địa phương, mỗi lần hội hè, tế lễ, thảy đều dựng rạp, mời nghệ nhân đến hát bội. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán hằng năm, trong thành ngoài nội đâu đâu cũng diễn tuồng khiến thiên hạ say mê tới mức:
Hát bội hành tội người ta,
Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con!
(Còn nữa)
Trả lời