Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for the ‘Tạp ghi’ Category

Biểu trưng / logo Hoa hậu hoàn vũ / Miss Universe

Biểu trưng / logo Hoa hậu hoàn vũ / Miss Universe

Hoa hậu hoàn vũ

Ra đời sau cuộc thi Hoa hậu thế giới (Miss World) chỉ một năm, cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ (Miss Universe) đã nhanh chóng phát triển nhờ gặp bao điều kiện thuận lợi. Về phương diện tài chính, cuộc thi thường niên Hoa hậu hoàn vũ nhận được nhiều nguồn bảo trợ, đáng kể nhất là của tỉ phú Donald J. Trump (3) – nhà kinh doanh bất động sản – và các hãng truyền hình CBS, NBC.

Khởi đầu, cả hai cuộc thi đều có hình thức xuất phát tương tự: tuyển chọn thể hình phụ nữ, chủ yếu qua trang phục áo tắm. Ngay sau thành công vang dội của cuộc thi Hoa hậu thế giới (Miss World) do Eric Morley tổ chức lần đầu ở London (Anh) vào năm 1951, một công ty tại Hoa Kỳ chuyên sản xuất và kinh doanh đồ tắm lập tức nhận thấy rằng loại hình sinh hoạt văn hóa đặc thù kia mang lại khả năng tiếp thị rất lớn. Năm 1952, trên bãi biển Long Beach thuộc bang California, cuộc tuyển nữ sắc được rầm rộ tổ chức. Ấy là cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ lần đầu tiên, vương miện và quyền trượng trao cho thí sinh Phần Lan Armi Helena Kuusela.

Năm 1952, Armi Helena Kuusela (Phần Lan) đăng quang Hoa hậu hoàn vũ / Miss Universe lần đầu tiên

Năm 1952, Armi Helena Kuusela (Phần Lan) đăng quang Hoa hậu hoàn vũ / Miss Universe lần đầu tiên

Cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ hình thành, tạo khí thế cạnh tranh ngang ngửa cuộc thi Hoa hậu thế giới. Miss Universe 1953 với sự lên ngôi của thiếu nữ Pháp Christiane Martel, tên khai sinh là Christiane Magnami.

Năm 1953, Christiane Martel / Christiane Magnami (Pháp) đang quang Hoa hậu hoàn vũ lần thứ nhì

Năm 1953, Christiane Martel / Christiane Magnami (Pháp) đang quang Hoa hậu hoàn vũ lần thứ nhì

Năm 1954, cô gái Hoa Kỳ Miriam Jacqueline Stevenson đăng quang. Năm 1959, nhan sắc Á Đông lần đầu đoạt danh hiệu hoa hậu hoàn vũ là Kojima Akiko / 児島明子 / Nhi Đảo Minh Tử, mỹ nhân Nhật Bản.

Hoa hậu hoàn vũ 1959 Kojima Akiko / 児島明子 / Nhi Đảo Minh Tử (Nhật Bản)

Hoa hậu hoàn vũ 1959 Kojima Akiko / 児島明子 / Nhi Đảo Minh Tử (Nhật Bản)

Riêng thí sinh châu Á đã đội vương miện Miss Universe, sau Akiko Kojima còn có Apasra Hongsakula của Thái Lan (1965), Gloria Maria Diaz của Philippines (1969), Maria Margarita Moran cũng của Philippines (1973), Porntip Nakhirunkanok của Thái Lan (1988), Sushmita Sen của Ấn Độ (1994), Lara Dutta cũng của Ấn Độ (2000), Mori Riyo / 森 理世 / Sâm Lý Thế (2007) của Nhật Bản.

Hoa hậu hoàn vũ 1969 Gloria Maria Diaz (Philippines)

Hoa hậu hoàn vũ 1969 Gloria Maria Diaz (Philippines)

Trong hàng ngũ thí sinh từng nhận danh hiệu hoa hậu hoàn vũ, một số nàng về sau bộc lộ tài năng rực rỡ khi hoạt động các lĩnh vực khác nhau, song cũng có trường hợp bị vấp ngã đáng tiếc.

Xuất chúng nhất là Irene Lailin Sáez Conde, tấm gương sáng từ chuyện học tới chuyện hành. Sinh năm 1961 tại Chacao, Irene liên tiếp đoạt vương miện hoa hậu Venezuela, hoa hậu khu vực Bắc Mỹ và hoa hậu hoàn vũ vào năm 1981. Sau khi hoàn tất các nghĩa vụ mà quy chế đã đề ra với Miss Universe xong, Irene thẳng thắn từ chối lời mời đóng phim tại Hollywood. Nàng quay về nước, chăm chỉ dùi mài đèn sách bậc đại học. Tốt nghiệp cử nhân khoa chính trị – kinh doanh năm 1989, Irene được cử làm Tùy viên cho Đại sứ quán Venezuela ở Hoa Kỳ. Thiên hạ lần nữa ngạc nhiên khi Irene bày tỏ nguyện vọng tha thiết muốn về bản xứ để “có thể đóng góp thiết thực hơn”. Trở lại cố quốc, Irene chọn thành phố Chacao quê hương để ứng cử chức thị trưởng và đắc cử hai nhiệm kỳ liền. Vì nàng “hứa là làm và chỉ cần 3 năm đủ thực hiện thành công những gì mà người khác phải mất 10 năm” nên được dân chúng rất tin cậy. Nhớ rằng lãnh thổ Venezuela thường xuyên hỗn loạn, duy Chacao với hơn 22.000 dân dưới sự lãnh đạo của Irene đã nhanh chóng trở thành địa phương an bình nhất nước. Đô thị Chacao được quần chúng mệnh danh là Ireneland (miền đất của Irene). Xe cứu hộ luôn sẵn sàng trên đường hầu giúp người lúc cần thì được dân gọi Irenemobiles. Búp bê nổi tiếng của xứ này phỏng theo dung nhan lẫn hình dáng Irene được đặt tên Irenedoll. Năm 1988, Irene Lailin Sáez Conde trở thành ứng cử viên đáng nể trong đợt bầu cử tổng thống Venezuela.

Hoa hậu hoàn vũ 1963 Irene Lailin Sáez Conde (Venezuela)

Hoa hậu hoàn vũ 1981 Irene Lailin Sáez Conde (Venezuela)

_________

(3) Lần lượt bảo trợ cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ: đầu tiên có Kayser-Roth, sau đó tới Gulfand Western Industries, từ năm 1996 là Donald J. Trump. Tổ chức Hoa hậu hoàn vũ (Miss Universe Organization) được tạo lập từ ngày 20-6-2002 bởi tỉ phú Trump với NBC. Hằng năm, Tổ chức ấy không chỉ tiến hành cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ, mà còn thực hiện cả cuộc thi Hoa hậu Mỹ (Miss USA – khác với Hoa hậu Hoa Kỳ / Miss America) và cuộc thi Hoa hậu Mỹ nhí (Miss Teen USA).

(Còn nữa)

Read Full Post »

Sang thập niên 1970, nhiều nơi bùng phát mạnh mẽ phong trào chống đối các cuộc tuyển chọn nữ sắc. Bob Hope – người dẫn chương trình cuộc thi Hoa hậu thế giới thuở ấy – bị ném bột mì lẫn lựu đạn cay ngay giữa sân khấu, vẫn bình tĩnh cất tiếng nhận xét:

– Ai cố phá một sự kiện văn hóa tuyệt vời như vầy? Chắc chắn đó là những kẻ cuồng tín!

Cuộc thi Hoa hậu thế giới cũng gặp nhiều lúng túng vì các… hoa hậu!

Năm 1973, hoa hậu Marjorie Wallace (Hoa Kỳ) đăng quang được 4 tháng thì bị tước vương miện bởi cư xử thiếu xứng đáng với tư cách Miss World.

Hoa hậu thế giới 1973 Marjorie Wallace (Hoa Kỳ) là trường hợp đầu tiên bị tước vương miện

Hoa hậu thế giới 1973 Marjorie Wallace (Hoa Kỳ) là trường hợp đầu tiên bị tước vương miện

Năm sau, hoa hậu Helen Morgan (Anh) tự ý trả vương miện sau khi lên ngôi được 4 ngày. Rắc rối kiểu này lại tiếp diễn vào năm 1980, cô gái Đức Gabrilla Brum đạt danh hiệu hoa hậu thế giới và 17 tiếng đồng hồ sau thì nhất quyết nhường ngôi cho á hậu 1 Kimberley Santos, người đẹp đảo Guam.

Hoa hậu thế giới 1974 Helen Morgan (Anh) tự ý trả vương miện sau khi đăng quang 4 ngày, bởi lúc ấy nàng đã có con trai, mặc dù điều này chẳng vi phạm nguyên tắc cạnh tranh, vì quy định của cuộc thi chỉ yêu cầu thí sinh chưa lập gia đình mà thôi

Hoa hậu thế giới 1974 Helen Morgan (Anh) tự ý trả vương miện sau khi đăng quang 4 ngày, bởi lúc ấy nàng đã có con trai, mặc dù điều này chẳng vi phạm nguyên tắc cạnh tranh, vì quy định của cuộc thi chỉ yêu cầu thí sinh chưa lập gia đình mà thôi

Từ thập niên 1980, cách chấm thi Hoa hậu thế giới có những thay đổi đáng kể.  Đối với ban giám khảo, điểm tham chiếu đầu tiên mang tính quyết định và điểm tham khảo quan trọng thường trực trong quá trình xem xét từng thí sinh là các thông số nhân trắc học – bao gồm chiều cao, cân nặng, số đo ba vòng, v.v. Nhân tố thông minh lẫn trình độ nhận thức bắt đầu được chú trọng, thể hiện qua cách giao lưu và khả năng ứng xử, chủ yếu là trực tiếp trả lời câu hỏi.

Giai đoạn 1992 – 1995, theo lời mời của tổng thống Nelson Mandela, liên tiếp các kỳ chung kết Miss World đều tổ chức ở Nam Phi.

Năm 1996, thi ở Ấn Độ bị vấp trở ngại. Tại quốc gia này, ào ạt xuống đường biểu tình đả đảo việc tuyển hoa hậu, các nữ du kích Hindu có vũ trang lập luận rằng trò thi cử kia khiến phụ nữ nô lệ vào nhan sắc và biến phụ nữ thành hàng hóa! Chính phủ Ấn Độ vẫn kiên quyết bảo vệ cuộc thi Hoa hậu thế giới bằng biện pháp rắn: điều động 20.000 cảnh sát giữ trật tự. Số lượng cảnh sát trực chiến ngang bằng sức chứa của sân vận động Chinnaswamy tại thành phố Bangalore, nơi diễn ra mấy đêm chung kết! Giai nhân Hy Lạp Irene Skylva đăng quang và vang vọng lời kêu gọi:

– Xin mọi người hãy hiểu cho rằng thi hoa hậu là để tôn vinh phái nữ.

Bất chấp mọi hàng rào ngăn cản, bao cô gái Ấn vẫn háo hức thi Hoa hậu thế giới và nhiều trường hợp đạt vị trí quán quân: Aishwarya Rai (1994), Diana Hayden (1997), Yukta Mookhey (1999), Priyanka Chopra (2000).

Hoa hậu thế giới 1994 Aishwarya Rai (Ấn Độ)

Hoa hậu thế giới 1994 Aishwarya Rai (Ấn Độ)

Tính từ thuở khai sinh đến hết thế kỷ XX, danh hiệu Miss World đều thuộc thí sinh da trắng hoặc da vàng. Vén màn thế kỷ XXI, năm 2001, lần đầu tiên một thiếu nữ da đen lên ngôi: Agbani Darego, 19 tuổi, sinh viên ngành công nghệ thông tin, dân Nigeria. Trong quá khứ từng có 3 hoa hậu châu Phi vào các năm 1954, 1958, 1974, song đều là người da trắng. Do đó, phút đăng quang, Agbani nghẹn ngào:

– Tôi thực sự tự hào đã đem lại vinh quang cho dân tộc mình, chủng tộc mình. Màu da nào cũng đẹp, nhưng với chúng tôi thì tuyệt vời nhất là da đen. Tôi rất hạnh phúc được làm người da đen.

Hoa hậu thế giới 2000 Priyanka Chopra (Ấn Độ) đội vương miện cho hoa hậu thế giới 2001 Agbani Darego (Nigeria)

Hoa hậu thế giới 2000 Priyanka Chopra (Ấn Độ) đội vương miện cho hoa hậu thế giới 2001 Agbani Darego (Nigeria)

Nước nào có thí sinh đoạt vương miện Miss World năm trước luôn được ưu tiên đăng cai tổ chức vòng chung kết vào năm sau. Nigeria hào hứng chuẩn bị. Năm 2002, lần đầu tiên Việt Nam dự thi Hoa hậu thế giới với Phạm Thị Mai Phương, nữ sinh của đất cảng Hải Phòng. Chẳng ngờ đây là dịp xuất hiện vô số điều phiền toái. Hàng chục hoa hậu của các quốc gia tuyên bố tẩy chay kỳ thi nhằm phản đối tòa án Nigeria quá man rợ khi xử Amina Lawal – một phụ nữ nước này phạm tội ngoại tình – mức án tử hình bằng cách ném đá đến chết. Kế tiếp, do bức xúc vì bài báo đăng trên tờ ThisDay bình luận hơi quá trớn về cuộc tuyển sắc, nhiều vụ bạo loạn xảy ra dữ dội trên đất nước Nigeria. Ban điều hành cuộc thi Hoa hậu thế giới buộc phải chuyển về cung điện Alexandra tại London, thủ đô nước Anh, để cuộc thi diễn tiến an toàn. Cô người mẫu kiêm vũ công Thổ Nhĩ Kỳ 22 tuổi Azra Akin đăng quang.

Hoa hậu thế giới 2002 Azra Akin (Thổ Nhĩ Kỳ)

Hoa hậu thế giới 2002 Azra Akin (Thổ Nhĩ Kỳ)

Khu nghỉ mát Sheraton thuộc thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Hoa đã trở thành nơi tổ chức ba vòng chung kết Miss World 2003, 2004 và 2005. Cuộc thi năm 2003 quy tụ 106 thí sinh – trong đó có cô gái Sài Gòn 17 tuổi Nguyễn Đình Thụy Quân, cao 1,73m, học sinh trường THPT Gia Định và là võ sinh Teakwondo. Kết quả: vương miện thuộc nữ sinh viên báo chí đến từ Ireland là Rosanna Diane Davison, 19 tuổi, cao 1,81m. Vòng chung kết Miss World 2004 có Nguyễn Thị Huyền, thiếu nữ Hải Phòng, 19 tuổi, cao 1,72m, sinh viên khoa báo chí. Huyền được chọn vào danh sách 15 thí sinh đẹp nhất. Vương miện thuộc Maria Julia Mantilla Garcia, 20 tuổi, dân Peru, sinh viên sư phạm. Vòng chung kết Miss World 2005 có Vũ Hương Giang, thiếu nữ Hà Nội, 20 tuổi, cao 1,69m, sinh viên khoa quản trị kinh doanh. Unnur Birna Vihjalmsdottir, 21 tuổi, cao 1,73m, sinh viên ngành nhân chủng học, dân Iceland, đoạt danh hiệu hoa hậu thế giới.

Hoa hậu thế giới 2005 Unnur Birna Vihjalmsdottir (Iceland)

Hoa hậu thế giới 2005 Unnur Birna Vihjalmsdottir (Iceland)

Cùng với khán giả hiện diện trong cung Sanya tại đảo Hải Nam, ước tính còn thêm 2 tỉ người ở 70 quốc gia xem truyền hình trực tiếp đêm phân ngôi á hậu với hoa hậu thế giới. Ấy là chưa kể số lượng người theo dõi Miss World qua mạng Internet. Sân chơi lý thú này còn tạo nguồn đóng góp cho các quỹ từ thiện, chủ yếu là từ thiện trẻ em. Vợ chồng Morley gắn một châm ngôn đầy ý nghĩa vào cuộc thi Hoa hậu thế giới: “Beauty with a purpose”. Tạm dịch: “Sắc đẹp có mục đích”.

Hoa hậu thế giới 2012 于文霞 / Yú Wénxiá / Vu Văn Hà (Trung Hoa) với thí sinh Vũ Thị Hoàng My (Việt Nam)

Hoa hậu thế giới 2012 于文霞 / Yú Wénxiá / Vu Văn Hà (Trung Hoa) với thí sinh Vũ Thị Hoàng My (Việt Nam)

(Còn nữa)

Read Full Post »

Biểu trưng / logo Hoa hậu thế giới / Miss World

Biểu trưng / logo Hoa hậu thế giới / Miss World

Hoa hậu thế giới

Cuộc thi Hoa hậu thế giới khởi sự ở nước Anh với công lao của Eric Douglas Morley, một nhân vật xuất thân từ nghèo khó. Thập niên 1940, Eric là kẻ làm thuê tại vũ trường Mecca với mức lương 15 bảng (Anh kim) mỗi tuần. Đề xuất nhiều sáng kiến giá trị, Eric góp phần biến Mecca trở thành công ty giải trí tiếng tăm. Một trong những “chiêu” của Eric mang tính đột phá là thành lập chương trình Comme Dancing (Đi khiêu vũ) trên đài BBC và được công chúng thích thú tán thưởng.

Năm 1951, biết tin nước Anh sắp tổ chức festival bên bờ nam sông Thames tại thủ đô London, Eric Morley liền nghĩ cách tận dụng cơ hội hy hữu ấy. Làm sao cuốn hút du khách thập phương khiến họ phải chen chúc qua cầu Waterloo để ghé vào khu giải trí Mecca? Eric khởi phát ý tưởng táo bạo nhằm đạt mục tiêu kia: tiến hành đợt tuyển nữ sắc cấp hành tinh. Tên cuộc chơi được đăng ký nguyên thủy là Festival Bikini Contest (Liên hoan đồ tắm hai mảnh). Tuy nhiên, báo giới lúc bấy giờ đã “chúng khẩu đồng từ” tôn vinh cuộc chơi hấp dẫn đó thành cuộc thi Miss World (Hoa hậu thế giới) kèm lời tiên đoán quá giật gân: cuộc thi Hoa hậu thế giới rồi sẽ thu hút số lượng người trên khắp hành tinh quan tâm theo dõi còn đông hơn hẳn các sự kiện văn hóa to lớn như Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) hoặc Thế vận hội (Olympic Games). Lời tiên đoán ngỡ khó tin, song dần đã hóa nên sự thật.

Giai nhân Thụy Điển Kerstin Håkanson, còn ghi Kerstin Haakanson, tên thân mật là Kiki, hân hạnh giành danh hiệu hoa hậu thế giới lần đầu tiên.

Đăng quang Hoa hậu thế giới / Miss World lần đầu tiên năm 1951, trái sang: á hậu 1 Laura Ellison-Davies (Anh), hoa hậu Kerstin Håkanson / Kiki Hakanson (Thuỵ Điển), á hậu 2 Doreen Dawne (Anh)

Đăng quang Hoa hậu thế giới / Miss World lần đầu tiên năm 1951, trái sang: á hậu 1 Laura Ellison-Davies (Anh), hoa hậu Kerstin Håkanson / Kiki Haakanson (Thuỵ Điển), á hậu 2 Doreen Dawne (Anh)

Thành công của cuộc thi năm 1951 vượt quá dự tính khiến Eric Morley vô cùng phấn khởi nên quyết định dốc sức tiến hành cuộc thi này thường niên và gặp ngay hai thách thức to lớn. Thách thức thứ nhất mang tính cạnh tranh: một doanh nghiệp Hoa Kỳ sắp tổ chức cuộc tuyển sắc tương tự. Thách thức thứ nhì ẩn chứa sự đe dọa: vài quốc gia như Ireland và Tây Ban Nha tuyên bố nghiêm cấm thí sinh nước họ dự thi nếu phải phô bày thân xác qua bộ đồ tắm hai mảnh “hở hang chướng mắt” (!). Ban tổ chức đành nhượng bộ: trước mắt, không trình diễn bikini “bốc lửa” nữa, mà thay bằng áo tắm liền mảnh. Và năm 1952, lên ngôi hoa hậu thế giới lần thứ nhì cũng là một mỹ nữ Thụy Điển: May Louise Flodin. 46 năm sau, tại vòng chung kết Miss World 1998, May Louise Flodin xuất hiện rất… đẹp lão bên cạnh cô gái Israel là Linor Abargil vừa đăng quang.

Đăng quang Hoa hậu thế giới lần thứ nhì năm 1952, trái sang: á hậu 1 Sylvia Müller  (Thuỵ Sĩ), hoa hậu May Louise Flodin (Thuỵ Điển), á hậu 2 Vera Marks (Tây Đức)

Đăng quang Hoa hậu thế giới lần thứ nhì năm 1952, trái sang: á hậu 1 Sylvia Müller (Thuỵ Sĩ), hoa hậu May Louise Flodin (Thuỵ Điển), á hậu 2 Vera Marks (Tây Đức)

Danh hiệu hoa hậu thế giới lần thứ ba, năm 1953, dành cho bóng hồng Pháp Denise Perrier.

Hoa hậu thế giới / Miss World / Miss Monde lần thứ ba năm 1952 Denise Perrier (Pháp)

Hoa hậu thế giới / Miss World / Miss Monde lần thứ ba năm 1952 Denise Perrier (Pháp)

Năm kế tiếp, 1954, nhan sắc châu Phi lên ngôi: Antigone Costanda, dân Ai Cập. Miss World 1955 phát hiện “cường quốc tuyệt thế giai nhân” ở Nam Mỹ là Venezuela qua cô gái Carmen Susana Duijm Zubillaga.

Hoa hậu thế giới 1954 Antigone Costanda (Ai Cập) chúc mừng hoa hậu thế giới 1955 Carmen Susana Duijm Zubillaga (Venezuela)

Hoa hậu thế giới 1954 Antigone Costanda (Ai Cập) chúc mừng hoa hậu thế giới 1955 Carmen Susana Duijm Zubillaga (Venezuela)

Năm 1960, Eric Morley cưới vợ là Julia Morley.

Eric Morley cùng vợ Julia Morley

Eric Morley cùng vợ Julia Morley

Nước Anh, nơi sản sinh cuộc thi Hoa hậu thế giới, mãi tới năm 1961 mới có Rosemarie Frankland đăng quang. Đến năm 1966, Reita Faria của Ấn Độ là cô gái châu Á đầu tiên lên ngôi hoa hậu thế giới. Châu Đại Dương thì có Penny Plumber Penelope Plummer của Australia đoạt vương miện Miss World năm 1968.

Đăng quang Hoa hậu thế giới 1968, trái sang: á hậu 4 Arene Cecilia Amabuyok (Philippines), á hậu 2 Miri Zamir (Israel), hoa hậu Penny Plumber Penelope Plummer (Úc), á hậu 1 Kathleen Winstanley (Anh), á hậu 3 Beatriz Sierra Gonzalez (Colombia)

Đăng quang Hoa hậu thế giới 1968, trái sang: á hậu 4 Arene Cecilia Amabuyok (Philippines), á hậu 2 Miri Zamir (Israel), hoa hậu Penny Plumber Penelope Plummer (Úc), á hậu 1 Kathleen Winstanley (Anh), á hậu 3 Beatriz Sierra Gonzalez (Colombia)

(Còn nữa)

Read Full Post »

Do thiếu thông tin, phần đông dân chúng chưa hiểu rõ các chương trình tuyển sắc trên hoàn cầu. Ngay cả tên gọi các cuộc thi cùng những chi tiết liên quan, bao ấn phẩm trong nước vẫn bị nhầm lẫn, sai sót, thiếu thống nhất, mà trớ trêu thay, chính tập sách Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi hoa hậu Việt Nam của Dương Kỳ Anh lại là ví dụ tiêu biểu!

Lúc làm tổng biên tập báo Tiền Phong, nhà thơ kiêm nhà báo Dương Kỳ Anh tặng hoa cho các thí sinh dự thi hoa hậu Việt Nam

Lúc làm tổng biên tập báo Tiền Phong, nhà thơ kiêm nhà báo Dương Kỳ Anh tặng hoa cho các thí sinh dự thi hoa hậu Việt Nam

Tập sách Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi hoa hậu Việt Nam của Dương Kỳ Anh có lập bảng liệt kê Các hoa hậu thế giới từ 1952 đến 1996 chứa nhiều điểm cần hiệu đính, chỉnh sửa. Trước tiên, xem xét nội dung, thấy rằng đấy chẳng phải Hoa hậu thế giới (Miss World) mà là Hoa hậu hoàn vũ (Miss Universe). Rất nhiều người đẹp xuất hiện trong bảng với họ tên bị in sai hoặc thiếu, nhưng dù sao bạn đọc cũng có thể suy đoán; điều đáng phàn nàn là lắm giai nhân bị gán ghép không đúng quốc tịch! Hoa hậu 1963 là Eida Maria Vargas, dân Hy Lạp ư? Đâu phải. Đó là Ieda Maria Vargas, dân Brazil. Hoa hậu 1968 là Martha Vasconcellos, dân Philippines ư? Đích thực Marta Vasconcellos, cũng dân Brazil. Hoa hậu 1973 là Margarita Maran, dân Tây Ban Nha ư? Chính xác phải là Maria Margarita Moran, dân Philippines. Trường hợp “râu ông cắm lộn cằm bà” như thế tồn tại hơi bị nhiều, e bất ổn!

Tập sách ấy cũng mấy lần nhắc Phon Thít, tức Porntip Nakhirunkanok, cô gái Thái Lan từng giành vương miện hoa hậu thế giới. Giành năm nào? Trang 77 cho biết năm 1988. Trang 78 lại đề năm 1990. Thực tế, Phon Thít đăng quang hoa hậu hoàn vũ năm 1988. Chứ hoa hậu thế giới năm 1988 lại là Linda Petursdottir, người Iceland. Còn năm 1990, hoa hậu hoàn vũ là cô gái Na Uy Mona Grudt, hoa hậu thế giới là thiếu nữ Hoa Kỳ Gina Marie Tolleson.

Porntip Nakhirunkanok – hoa hậu Thái Lan rồi hoa hậu hoàn vũ / Miss Universe 1988

Porntip Nakhirunkanok – hoa hậu Thái Lan rồi hoa hậu hoàn vũ / Miss Universe 1988

Thiên hạ thường nghĩ rằng chuẩn mực để định giá cái đẹp quá ư… phập phồng. Nhưng rất nhiều cuộc thi hoa hậu đòi hỏi thí sinh phải là thiếu nữ đảm bảo mấy tiêu chuẩn có thể cân, đo, đong, đếm: cao ráo, tươi trẻ, trinh trắng. Cụ thể là chiều cao đứng từ 1,70m trở lên, độ tuổi giới hạn 16 ~ 25, chưa lấy chồng, chưa sinh con, lại chưa hề chụp ảnh… khỏa thân.

Thật ra, mỗi cuộc thi áp dụng từng quy chế khác nhau.

Khá nổi tiếng là cuộc thi Hoa hậu địa cầu (Mrs. Globe) dành cho quý bà đã “gia thất duyên hài”. Báo Phụ Nữ cũng mở kỳ tuyển lựa Người đẹp tuổi 40. Tất nhiên, đàn bà ngần ấy xuân xanh thì đa số đều “chồng con đề huề”, có cả thí sinh dẫn theo cháu nội và cháu ngoại để làm ủng hộ viên cuồng nhiệt nữa.

Daisy Van Cauwenbergh (Bỉ) khi đăng quang hoa hậu địa cầu / Mrs. Globe 2007 được con trai ôm hôn

Daisy Van Cauwenbergh (Bỉ) khi đăng quang hoa hậu địa cầu / Mrs. Globe 2007 được con trai ôm hôn

Dư luận từng xôn xao vì phát hiện hai nàng hoa hậu thế giới là Leysley Langley (Anh, 1965) và Eva Rueber-Staier (Áo, 1969) trong những tư thế Eva chưa xơi trái cấm, nhưng ban tổ chức chẳng tước vương miện của họ vì lý do: họ khỏa thân để chụp ảnh trước khi đăng quang, trong khi quy chế chỉ cấm họ làm chuyện kia trong năm đương kim hoa hậu.

Phụ nữ béo núc ních vẫn thoải mái dự thi Hoa hậu mập mạp (Miss Large Lady)Hoa hậu cồng kềnh (Miss Jumbo Queen). Hai cuộc thi đó đều lấy hình ảnh con voi làm biểu tượng.

Hoa hậu cồng kềnh / Miss Jumbo Queen 2005 là Tarnrarin Chansawang (115kg) với 2 á hậu

Hoa hậu cồng kềnh / Miss Jumbo Queen 2005 là Tarnrarin Chansawang (115kg) với 2 á hậu

Lắm người cũng khó ngờ rằng có cả Hoa vương thế giới (Mister / Mr. World), Hoa vương quốc tế (Mister / Mr. International) là các cuộc thi sắc đẹp cấp toàn cầu dành cho… đàn ông!

Ngô Tiến Đoàn (sinh năm 1983, giảng viên ngành cơ khí Đại học Cần Thơ, cao 1,83m, số đo 88-90-99) – giải nhất Manhunt Việt Nam 2006, hoa vương quốc tế / Mrs. International 2008

Ngô Tiến Đoàn (sinh năm 1983, giảng viên ngành cơ khí Đại học Cần Thơ, cao 1,83m, số đo 88-90-99) – giải nhất Manhunt Việt Nam 2006, hoa vương quốc tế / Mrs. International 2008

 (Còn tiếp)

Read Full Post »

Khắp hành tinh chúng ta, hiện mỗi năm diễn ra bao nhiêu cuộc thi nữ sắc? Dễ chừng hàng trăm. Thậm chí cả nghìn. Nhưng có hai cuộc thi thường niên đạt quy mô bề thế nhất, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận nhất: ấy là Hoa hậu thế giới Hoa hậu hoàn vũ. Bên cạnh đó, cũng nên kể thêm Hoa hậu quốc tế, Hoa hậu trái đất, Hoa hậu địa cầu, Hoa hậu sinh viên thế giới. Tổng hợp nhiều nguồn tư liệu, loạt bài này giới thiệu mấy cuộc thi kia, đồng thời điểm qua dăm đợt tuyển lựa giai nhân khác đáng chú ý ở trong lẫn ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc.

Các hoa hậu toàn quốc của báo Tiền Phong / hoa hậu Việt Nam tại bãi biển Nha Trang năm 2006, trái qua: Bùi Bích Phương (1988), Nguyễn Thị Huyền (2004), Nguyễn Thu Thuỷ (1994), Nguyễn Thị Ngọc Khánh (1998), Phạm Thị Mai Phương (2002). Ảnh: Thành Nguyễn

Các hoa hậu toàn quốc của báo Tiền Phong / hoa hậu Việt Nam tại bãi biển Nha Trang năm 2006, phải qua: Bùi Bích Phương (1988), Nguyễn Thị Huyền (2004), Nguyễn Thu Thuỷ (1994), Nguyễn Thị Ngọc Khánh (1998), Phạm Thị Mai Phương (2002). Ảnh: Thành Nguyễn

Hoa hậu & dăm chuyện bên lề

Việt Nam thuở xưa từng có những cuộc thi nhan sắc nữ giới được tiến hành rải rác đó đây. Tuy nhiên, vì lắm lý do, mãi tới gần cuối thế kỷ XX, công luận trong nước mới thực sự lưu tâm chuyện hoa khôi, hoa hậu. Chính xác kể từ tháng 11-1988, khi cuộc thi mang tên Hoa hậu hội báo Tiền Phong lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà Văn hóa thanh niên Hà Nội.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh – tổng biên tập báo Tiền Phong kiêm trưởng ban giám khảo cuộc thi nọ – nhận xét rằng đấy là “thời điểm mà công cuộc đổi mới như một làn gió mát lành bắt đầu thổi dọc đất nước Việt Nam” và cuộc thi lần ấy “hoàn toàn bất ngờ thành công ngoài ý muốn của ban tổ chức”.

Bùi Bích Phương – hoa hậu hội báo Tiền Phong 1988

Bùi Bích Phương – hoa hậu hội báo Tiền Phong 1988

Thế là chẳng mấy chốc, hàng loạt cuộc thi tương tự đã liên tục “bùng nổ” ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương trên toàn quốc. Nào Hoa hậu TP.Hồ Chí Minh, Hoa hậu Hà Nội, Hoa hậu hội Lim. Nào Người đẹp đền Hùng, Người đẹp quê lụa, Người đẹp xứ dừa. Nào Hoa hậu Noël, Hoa khôi điện ảnh, Hoa khôi thời trang thể thao, vân vân và vân vân. Phong trào dấy lên cực kỳ… ì xèo, đến đỗi báo chí bấy giờ phải than rằng “loạn hoa hậu” (!).

Lý Thu Thảo – hoa hậu áo dài TP.HCM 1989

Lý Thu Thảo – hoa hậu áo dài TP.HCM 1989

Nếu bình tĩnh nhìn nhận thì thấy phong trào sôi nổi đó không chỉ bày thêm sân chơi mới cho giới trẻ nước nhà, mà còn góp phần tạo nên một sinh hoạt văn hóa đặc trưng và hấp dẫn. Những cuộc thi nào diễn ra theo lối “chụp giựt xôi thịt” ắt khó tồn tại lâu bền, nhất là khi Bộ Văn hóa và Thông tin (VHTT) ban hành Quy chế về tổ chức các cuộc tuyển chọn sắc đẹp do Thứ trưởng Nông Quốc Chấn ký ngày 18-9-1989. Riêng cuộc thi hoa hậu toàn quốc của báo Tiền Phong cứ “đến hẹn lại lên” đều đặn hai năm một lần. Thì vẫn là đợt tuyển chọn nữ sắc cách niên trên phạm vi cả nước do một cơ quan truyền thông đại chúng tổ chức, chẳng khác gì những đợt thi tương tự của muôn ngành nghề, muôn địa phương mở rộng. Cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong lần VIII mới được Bộ VHTT nâng cấp thành cuộc thi Hoa hậu Việt Nam bằng quyết định số 21/QĐ ban hành ngày 29-1-2002. Song, đấy chẳng phải là “cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần đầu tiên” như vài tờ báo vội vàng loan tin. Thực tế, ba năm trước đó, năm 1999, chính Bộ VHTT đã trực tiếp điều hành cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần thứ nhất mà vòng chung kết diễn ra tại Nhà thi đấu Phan Đình Phùng ở TP. Hồ Chí Minh với sự đăng quang của Nguyễn Thiên Nga vốn là hoa hậu báo Tiền Phong từ năm 1996.

Nguyễn Thiên Nga – hoa hậu báo Tiền Phòng 1996, hoa hậu Việt Nam 1999, á hậu 1 hữu nghị Đông Nam Á / Miss Friendship of ASEAN 1999. Ảnh: Hoàng Trưởng

Nguyễn Thiên Nga – hoa hậu báo Tiền Phòng 1996, hoa hậu Việt Nam 1999, á hậu 1 hữu nghị Đông Nam Á / Miss Friendship of ASEAN 1999. Ảnh: Hoàng Trưởng

Mặc dù vẫn còn một số người tỏ vẻ dị ứng trước các cuộc thi nữ sắc, chủ yếu quanh tiết mục thí sinh mặc áo tắm mà ưỡn ẹo, nhưng sức cuốn hút của các kỳ tuyển chọn người đẹp với đại đa số quần chúng là điều không thể phủ nhận. Theo dõi các loại hình báo chí – gồm báo in, báo nói (phát thanh), báo hình (truyền hình cùng các chương trình nghe nhìn) và báo điện tử – trong thời gian các cuộc thi diễn ra, khắc rõ. Hầu như bất kỳ tờ nào, kênh nào, làn sóng nào, cũng tìm cách khai thác ít nhiều thông tin về “những bông hoa biết nói” qua vô số góc độ, bởi đây là đề tài ăn khách. Báo Tiền Phong còn đầu tư thực hiện hẳn chuyên san mang manchette (1) Người đẹp Việt Nam phát hành hằng tháng, sau này là mỗi nửa tháng, nhằm tập trung đăng tải bài và ảnh hoa hậu, hoa khôi lẫn người mẫu thời trang. Tổng biên tập Dương Kỳ Anh còn “thừa thắng xông lên”, làm bộ sách riêng với tên gọi Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi hoa hậu Việt Nam mà tập 1 do NXB Thanh Niên ấn hành năm 1998. (2)

Các thi sinh dự thi hoa hậu Việt Nam với trang phục bikini

Các thi sinh dự thi hoa hậu Việt Nam với trang phục bikini

Ngày nay, với xu thế hội nhập cộng đồng nhân loại, khá nhiều người trong nước mong được biết khắp bốn phương đã và đang tổ chức các cuộc thi hoa hậu như thế nào, ngõ hầu “trông người lại ngẫm đến ta”. Nhu cầu chính đáng nọ ngày càng tăng, nhất là khi một số phụ nữ Việt Nam xuất dương tham gia các đợt tuyển chọn nhan sắc. Chẳng hạn năm 1993, dự cuộc thi Hoa hậu sinh viên thế giới tổ chức ở Hàn Quốc, Hà Kiều Anh – hoa hậu báo Tiền Phong năm 1992 – đã đoạt giải “Miss Tejon”. Năm 2002, Phạm Thị Mai Phương – hoa hậu báo Tiền Phong cùng năm – dự cuộc thi Hoa hậu thế giới dự kiến tổ chức ở Nigeria song phút cuối phải dời về Anh quốc. Năm 2003, Lê Minh Phượng sang Nhật Bản tham gia cuộc thi Hoa hậu quốc tế, Nguyễn Ngân Hà qua Philippines dự thi Hoa hậu trái đất, Vũ Hương Giang ghé Malaysia tranh tuyển Hoa hậu du lịch thế giới. Năm 2005, cuộc thi Hoa hậu thế giới dành cho quý bà (Mrs. World Pageant) diễn ra ở Ấn Độ, Đoàn Thị Kim Hồng tham dự và đoạt giải “Người đẹp được mến mộ”.

Đoàn Thị Kim Hồng – người đẹp được mến mộ trong cuộc thi Hoa hậu thế giới dành cho quý bà 2005 được tổ chức tại Ấn Độ –  với Triệu Thị Hà – hoa hậu các dân tộc Việt Nam / Miss Ethnic Vietnam 2011. Ảnh: Tuyết Phạm

Đoàn Thị Kim Hồng – người đẹp được mến mộ trong cuộc thi Hoa hậu thế giới dành cho quý bà 2005 được tổ chức tại Ấn Độ – với Triệu Thị Hà – hoa hậu các dân tộc Việt Nam / Miss Ethnic Vietnam 2011. Ảnh: Tuyết Phạm

_________

(1) Tuỳ ngữ cảnh, danh từ tiếng Pháp manchette có nhiều nghĩa khác nhau. Với báo chí, manchette mang 2 nghĩa phổ dụng: 1. Tên tờ báo được thiết kế để sử dụng suốt thời gian dài (có thể có hoặc không tên cơ quan chủ quản, biểu trưng / logo, khẩu hiệu / slogan, v.v.) ; 2. Đầu đề chữ lớn ở trang nhất tờ báo.

(2) Tập 2 lại mang nhan đề Hoa hậu Việt Nam những điều chưa biết thì được NXB Hội Nhà Văn cho ra lò năm 2007.

(Còn nữa)

 

Read Full Post »

« Newer Posts - Older Posts »